You are here

Quỹ tiết kiệm nhà ở khó khả thi

Mặc dù đánh giá cao mục tiêu tốt đẹp trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở, song nhiều chuyên gia lo ngại Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ khó đi vào thực tế vì dễ nảy sinh tiêu cực.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân trong tình cảnh giá bất động sản đang leo thang chóng mặt. Cơ quan này dự kiến, quỹ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến khoảng 1 - 2% tiền lương hàng tháng của người lao động.

Quỹ sẽ hỗ trợ những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Riêng những người không có nhu cầu mua nhà, khi về hưu sẽ được rút toàn bộ số tiền đóng góp cộng với lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá.

Ông Đặng Hùng Võ, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, quỹ phát triển nhà ở không phải là một hình thức mới trên thế giới. Trung Quốc, Singapore hay một số nước Bắc Âu đã thành lập quỹ nhà ở dưới nhiều tên khác nhau.

Một số nước Bắc Âu giải quyết thông qua hình thức hợp tác xã nhà ở. Họ lập một hội những người có nhu cầu mua nhà ở, có ban kiểm soát và tự quản lý phân phối. Mỗi khi xét đối tượng được mua nhà, họ bỏ phiếu công khai.

"Giá đất đang leo thang, nhiều người dân có mức thu nhập trung bình phải từ bỏ giấc mơ sở hữu một ngôi nhà thì Quỹ này lại mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị", ông Võ nói.

Ảnh: Hoàng Hà
Nhiều chuyên gia lo ngại quỹ tiết kiệm nhà ở dễ nảy sinh tiêu cực. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ mối lo ngại xung quanh đề xuất của Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, quyết định thành lập quỹ phát triển nhà ở với tỷ lệ đóng góp 1-2% mức lương để giải quyết khó khăn về nhà ở là không tưởng.

Ông Đực phân tích, lương công nhân viên tính trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Trích 1-2% chỉ tương đương với khoảng 50.000-100.000 đồng mỗi tháng, vậy cả năm chỉ góp được khoảng 600.000-1,2 triệu đồng. 10 năm được khoảng 6-12 triệu. "Số tiền quá nhỏ như 'muối bỏ biển' để có thể sở hữu một căn nhà", ông Đực lo ngại.

Để giải được bài toán này, vị giám đốc cho rằng cần phải trích 20-30% tổng thu nhập hằng tháng góp quỹ trong ít nhất 10 năm mới có thể mua được nhà. Cũng theo ông Đực, xử lý thỏa đáng quyền lợi của tất cả mọi người dù không có nhu cầu mua nhà nhưng vẫn phải đóng góp là điều rất khó. Do đó, vị giám đốc kiến nghị chỉ nên thu từ những người có nhu cầu mua nhà thực sự và nên để cơ chế tự nguyện thay vì hình thức ép buộc.

"Có người ăn còn không đủ và họ cần ưu tiên giải quyết nhu cầu sinh sống hằng ngày. Họ sẵn sàng chấp nhận phận đi thuê vì còn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh", ông Đực nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu yêu cầu tất cả người lao động Việt Nam phải đóng góp vào Quỹ nhà ở sẽ chẳng khác nào đánh một loại thuế mới lên người dân.

Nhiều độc giả gửi thư cho VnExpress.net cũng bày tỏ sự lo ngại về đề xuất của Bộ Xây dựng. Số đông cho rằng, lương của người lao động Việt Nam chưa cao lại phải đóng nhiều khoản là điều bất cập hiện nay. Mộc độc giả than, hiện bảo hiểm xã hội tăng từ 5% lên 6,5%, bảo hiểm y tế từ 1% lên 1,5%, rồi bảo hiểm thất nghiệp 1%. "Nay ép buộc trừ 1-2% tiền lương vào quỹ tiết kiệm nhà ở là không hợp lý. Hiện tại tôi có 2 căn nhà, tôi đâu cần mua thêm mà phải đóng quỹ mua nhà", một độc giả phản ánh.

"Chỉ nên yêu cầu những người có nhu cầu mua nhà mới phải đóng tiền vào quỹ. Thêm vào đó, ngân sách phải trích một phần đóng góp để tạo hạt nhân cho quỹ bởi trách nhiệm không thể đổ cho 9 triệu người lao động", ông Đặng Hùng Võ đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao ý tưởng của Bộ Xây dựng song bà lo ngại về tính khả thi. Tính minh bạch trong quản trị của Việt Nam chưa cao, vấn đề tham nhũng rất khó tránh khỏi. Theo bà Lan, nếu quản lý lỏng lẻo sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Tại buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Thụy Điển đã đưa ra con số 86% các hộ gia đình ở Việt Nam nhận biết có tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai. "Không phải ai cũng tin tưởng vào tính hiệu quả của quỹ. Để đảm bảo quỹ quản lý và vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực tham nhũng thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ", bà Lan nói.

Tại một cuộc họp báo gần đây, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu những người có nhà không đóng góp thì Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ rất khó hình thành và phát huy đúng tác dụng. Bởi những người chưa có nhà hầu hết là người nghèo, không đủ tiền để mua nhà. "Nay những người này lại phải góp vào quỹ tiết kiệm nhà ở thì số tiền sẽ rất nhỏ và cơ hội mua được nhà là rất khó. Thử hỏi, những người thu nhập thấp, chưa có nhà mà tự góp với nhau thì đến bao giờ mới có đủ tiền để mua nhà?", ông Nam lo ngại.

Trao đổi với Vnexpress, một cán bộ thuộc Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa cử người đi khảo sát tại một số nước có quỹ nhà ở. "Bộ sẽ học hỏi kinh nghiệm của các nước để ứng dụng vào Việt Nam và chỉ đúc kết những kinh nghiệm phù hợp nhất", vị cán bộ chia sẻ.

Hoàng Lan

 


Nội dung mới hơn:
Nội dung khác: