You are here

Trào lưu sính ngoại của bất động sản Việt Nam

Những hợp đồng quản lý, tư vấn, thiết kế, tiếp thị... resort, khách sạn nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam đang nằm trong tay các công ty nước ngoài có thương hiệu quốc tế.

Theo các chuyên gia, hiện tượng khối ngoại lấn át khối nội trong ngành bất động sản Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài và sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa.

Ngày 8/11 Công ty TNHH Khu Du lịch Đồi Robin (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn - SGI) đã tiến hành ký kết Hợp đồng quản lý resort và khách sạn của dự án Sheraton Dalat Resort với đối tác nước ngoài là Tập đoàn Starwood Hotels & Resorts. Đây là công ty khách sạn và nghỉ dưỡng quốc tế của Mỹ, có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyên điều hành, nhượng quyền kinh doanh các thương hiệu khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế.

Lãnh đạo Công ty TNHH Khu Du lịch Đồi Robin cho rằng, với việc hợp tác này, khâu quản lý khu resort 5 sao sẽ được nâng tầm chuyên nghiệp và đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Ngoài việc quản lý, bản thân dự án Sheraton Dalat Resort cũng được thiết kế bởi một đơn vị nước ngoài là Công ty Smaillwood Reynolds Stewart đến từ Mỹ.

Không dừng lại ở những hợp đồng quản lý, tư vấn thiết kế khu resort với đối tác nước ngoài, có doanh nghiệp còn mạnh tay nhượng quyền thương hiệu quốc tế mang về Việt Nam để kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Lãnh đạo Công ty TNHH Khu Du lịch Đồi Robin ký kết hợp đồng quản lý khu resort với Tập đoàn Starwood Hotels & Resorts. Ảnh: V.T.

Ngày 11/10, nhân dịp ra mắt văn phòng đầu tiên tại TP HCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt, Chi Edward thông báo ông đã mang thương hiệu Coldwell Banker từ Mỹ về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền trong vòng 25 năm. Ông cho biết, sẽ sử dụng thương hiệu này để xúc tiến các kế hoạch đào tạo chuyên ngành tư vấn, môi giới; trực tiếp quản lý và phát triển bất động sản tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Realogy (Mỹ) đã chuyển giao quyền khai thác độc quyền thương hiệu Coldwell Banker tại Việt Nam cho Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt. Ông Chi Edward tiết lộ, tất cả dự án bất động sản Minh Việt đầu tư và hợp tác thực hiện sẽ đi theo hướng sử dụng thương hiệu Coldwell Banker để quản lý, quảng bá và môi giới tiếp thị.

Phổ biến hơn, nhiều tòa tháp từ cao ốc văn phòng đến trung tâm thương mại lớn tại TP HCM cũng được các tập đoàn quản lý bất động sản quốc tế đến từ: Mỹ, Pháp, Australia, Anh, tư vấn thiết kế, quản lý và tiếp thị. Tòa tháp cao nhất Sài Gòn, Bitexco Financial Tower (BFT) là một điển hình.

BFT là công trình có tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, quản lý, tiếp thị đến khánh thành, đều do những công ty nước ngoài thực hiện. Thiết kế ý tưởng được thực hiện bởi Carlos Zapata Studio (Mỹ), quản lý xây dựng dự án là Turner (Mỹ). Đơn vị thiết kế kết cấu là công ty Lera (Pháp). Nhà thầu xây dựng chính Hyundai E&C (Hàn Quốc). Colliers International Vietnam - đơn vị tiếp thị và cho thuê độc quyền khu văn phòng Bitexco Financial Tower, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý tòa nhà. Thậm chí đơn vị tổ chức lễ khánh thành cho tòa nhà này cũng là một đại diện nước ngoài, là Công ty Prisme Interneational đến từ Pháp.

Bitexco Financial Tower tại TP HCM có tất cả các khâu từ thiết kế đến thi công, quản lý thậm chí đến khánh thành đều do các công ty quốc tế đảm nhiệm. Ảnh: H.T.

Hàng loạt dự án resort, khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao cũng đang "sính ngoại" theo kiểu nguồn nhân lực cấp cao của các dự án này đều là người nước ngoài.

Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc điều hành Trường quản lý khách sạn Toàn Cầu GlobalHM, Thạc sĩ Trang Minh Hà cho biết: "Doanh nghiệp nước ngoài đang lấn lướt các công ty Việt Nam trong lĩnh vực phát triển tư vấn, quản lý bất động sản. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này".

Theo ông Hà, đầu tiên phải kể đến nguyên nhân chủ quan là tâm lý sính ngoại vốn đã thấm sâu vào suy nghĩ của đại đa số người dân Việt Nam. Tâm lý này cho rằng, hàng ngoại chất lượng tốt hơn hàng nội, trong đó, bất động sản cũng không ngoại lệ. Việt Nam có thể thiết kế theo phong cách nhiệt đới nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chuộng phong cách kiến trúc châu Âu, châu Mỹ và La tinh. Nhà thầu trong nước có thể thi công một hạng mục nào đó của công trình nhưng chủ đầu tư vẫn cho rằng để nhà thầu nước ngoài làm sẽ "chắc ăn" hơn. Cách quản lý khai thác và vận hành tòa nhà, khu du lịch cũng diễn ra tương tự như thế.

Nguyên nhân nữa là do thực trạng lịch sử phát triển ngành bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đi sau các nước vài chục năm và nếu so với châu Âu, châu Mỹ khoảng cách lên đến hàng trăm năm. Đây là yếu tố quyết định doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi với các tập đoàn bất động sản quốc tế do thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Tuy nhiên ông Hà không cho rằng hiện tượng này có dấu hiệu tiêu cực mà trái lại sự xuất hiện của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong nước thử nghiệm mô hình kinh doanh mới và nhìn lại thị trường bất động sản nội địa một cách toàn diện hơn.

Một chuyên gia bất động sản lại đánh giá ở góc nhìn khác có phần thực dụng. Theo ông, lâu nay tư duy của doanh nghiệp Việt Nam chuộng kinh doanh theo hình thức đánh quả, đi "đường hẻm" và lướt sóng nhanh chứ không ưa "nhặt tiền lẻ" theo hình thức quản lý, tư vấn, khai thác bất động sản. Đây được gọi là tác động từ yếu tố tâm lý.

"Khối ngoại có thể sẽ lấn lướt khối nội thêm một thời gian nữa cho đến khi thị trường bất động sản Việt Nam đạt được sự cân bằng bền vững. Lúc đó các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm để giành lại thị phần của mình", ông nói.

Vũ Lê

 


Nội dung mới hơn:
Nội dung khác: