You are here

Nhà thầu rầu lòng vì... luật

Khi công ty mẹ là chủ đầu tư một dự án thì theo Luật định các công ty con không được phép đấu thầu. Hàng loạt doanh nghiệp bất lực nhìn đơn vị thành viên "đói" việc để rồi ngậm ngùi trao gói thầu cho "người dưng".

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Luật đấu thầu và các nghị định liên quan diễn ra ngày 20/10, ông Nguyễn Xuân Đào, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, cục đã nhận được kiến nghị của 80 đơn vị ở các địa phương về sửa đổi quy định đấu thầu.

Ông Nguyễn Đình Rĩu, Phó giám đốc ban thiết bị, Tập đoàn Sông Đà tiết lộ trong việc mua sắm hàng hóa, yếu tố chất lượng quan trọng hàng đầu nhưng doanh nghiệp đang lúng túng với khâu này. Luật đưa ra các quy định để đánh giá như công suất, hiệu suất, mức tiêu hao điện năng, nhiên vật liệu, tuổi thọ...

Song các yếu tố này chỉ là thông số kỹ thuật nêu trong catalogue, chưa phản ánh được chất lượng thiết bị. Duy nhất yếu tố tuổi thọ phản ánh về chất lượng lại không có cơ sở để xác định.

Ảnh: Hoàng Hà
Quá trình đấu thầu từ khâu lập hồ sơ mời thầu đến ký hợp đồng phần lớn đều do chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Ảnh: Hoàng Hà.

Luật đấu thầu cấm nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC (gói thầu trọn gói trao tay). Nhưng thực tế trong quá trình đấu thầu, một số đơn vị vẫn buộc phải vi phạm luật vì không có sự lựa chọn nào khác.

Ông Rìu cho hay, trên hồ sơ mời thầu một số doanh nghiệp vẫn ghi hãng sản xuất, nước sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa... kèm theo các hệ số xuất xứ k từ 0 đến 0,3 ứng với nhóm nước khác nhau. Tùy từng thiết bị, hàng hóa sẽ điều chỉnh hệ số k cho phù hợp.

"Mặc dù cách đưa hệ số k còn cảm tính nhưng chính việc đưa tiêu chuẩn công khai trong hồ sơ mời thầu sẽ làm tăng khả năng lựa chọn được các thiết bị có thương hiệu thỏa mãn tiêu chí của người mua", ông Rìu nói.

Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất hiện nay của các tổng công ty là không thể để các thành viên tự tham gia gói thầu khi tổng công ty đóng vai trò chủ đầu tư. Theo quy định, đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư và chủ thầu phải độc lập, không có vốn góp trên 50%.

Ông Phùng Quang Hải, Trưởng phòng Đấu thầu Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, cho biết, nhiều trường hợp công ty mẹ là chủ đầu tư một dự án thì các công ty con không được phép đấu thầu. "Trong khi nhân sự của công ty con chơi dài, kinh tế khó khăn, thì tổng công ty lại phải mời các đơn vị ngoài tham gia gói thầu", ông Hải than thở.

Thêm vào đó, theo luật, nhà thầu là đơn vị sự nghiệp thì chủ đầu tư và nhà thầu không được cùng một cơ quan, tổ chức ra quyết định thành lập. Bà Nguyễn Minh Tuyến, Bộ Giao thông Vận tải lo ngại, chính quy định này khiến các đơn vị thuộc Bộ Giao thông không thể tham gia vào các dự án của chủ đầu tư do Bộ quyết định thành lập. Đây là khó khăn cho cả nhà thầu, cũng như các đơn vị sự nghiệp Nhà nước.

Hiện nay, nguyên tắc cơ bản lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu sử dụng vốn chung là có bản chào đáp ứng yêu cầu và giá thấp nhất. Chính áp lực “thấp nhất” đã mở cơ hội cho nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam đem theo nhân sự với giá nhân công rẻ bất ngờ.

Theo ông Nguyễn Xuân Đào, quá trình đấu thầu từ khâu lập hồ sơ mời thầu đến ký hợp đồng phần lớn đều do chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh tiêu cực trong đấu thầu do vai trò của chủ đầu tư rất lớn. "Công tác theo dõi, phát hiện kịp thời sai sót hoặc tiêu cực trong quá trình đấu thầu của cấp có thẩm quyền còn khó khăn do chế độ báo cáo về quá trình lựa chọn nhà thầu hiện chưa được quy định cụ thể", ông Đào nói.

Hoàng Lan

 


Nội dung mới hơn:
Nội dung khác: