You are here
Bốc Dịch

Dự đoán theo Mai Hoa Dịch Số - Phần II(1)-Luận đoán

Sự Trọng Yếu Sâu Kín Của Tâm Dịch
Về Phép Chiêm Bốc
Trong thiên hạ có sự dữ sự lành, nhờ chiêm bốc mà biết được sự trọng yếu.Sự lý trong thiên hạ không có hình tích, dùng giả tượng để hiểu rõ cái nghĩa. Cho nên quẻ Càn, có lý chắc chắn để tượng trưng cho loài ngựa (mã), vậy cho nên phép chiêm bốc ngụ cái lý của cát hung, chỉ nhờ vào quái tượng để biện minh. Vậy quái tượng nhất định chẳng khác gì cái lý mà nếu không biết đạo biến thông thì chẳng bao giờ hiểu được sự nhiệm mầu.
Dịch số là chỉ có biến dịch mà thôi: chí như hôm nay toán quẻ Quan Mai (ngắm bông mai), mà được quẻ Cách (Trạch Hỏa Cách) biết rằng sẽ có thiếu nữ bẻ hoa. Ngày sau quả thật có thiêu nữ đến bẻ hoa, có thể như vậy sao? Hôm nay toán quẻ Mẫu Đơn, mà được quẻ Cấu (Thiên Phong Cấu) biết được vườn Mẫu đơn sẽ bị ngựa dẫm nát, ngày hôm sau quả thật có ngựa phá hủy vườn Mẫu đơn, thế sao? Vả chưng quẻ Đoài không phải chỉ sở thuộc thiếu nữ mà thôi, cũng như quẻ Càn, cũng không phải chỉ sở thuộc ngựa mà thôi, có thể kẻ khác bẻ bông, và cũng có thể là một loài nào đó phá hủy vườn Mẫu đơn.

Cho nên sự suy xét phải thật tinh vi, mới có thể định được cái sở thuộc về vật gì. Than ôi! Đạo chiêm bốc rất cần yếu nhất là biến thông, hiểu được biến thông tất đạt được Tâm Dịch cao siêu vậy.

Chiêm Bốc Tổng Quyết

Đại để phép chiêm bốc, sau khi đã bố thành quẻ rồi, trước hết xem xét Hào từ của Chu Dịch để đoán cát hung. Thí dụ:

Càn sơ cửu là rồng ở ẩn, nên mọi việc đều còn nấp kín (âm thầm, chưa hiện rõ)
Cửu nhị là rồng xuất hiện tại điền(1) thì lợi gặp đại nhân, nên yết kiến quý nhân.

Thứ đến, xem Thể Dụng của quẻ, để luận Ngũ Hành sinh khắc. Thể Dụng tức là cái thuyết Động và Tịnh:

- Thể là chủ, Dụng là sự việc, ứng dụng sự thể.
- Thể Dụng tỵ hòa (như nhau, hòa nhau) là tốt.
- Thể sinh Dụng hay Dụng khắc Thể là xấu.

Lại xem đến khắc ứng, như đương thời chiêm bốc:

- Nghe nói vui tươi, hay thấy triệu chứng tốt lành là tốt.
- Nghe nói hung dữ hoặc thấy triệu chứng xấu là xấu.
- Thấy vật tròn nguyên vẹn biểu hiệu sự thành công.
- Thấy vật sứt mẻ hư hao biểu lộ sự thất bại.

Lại xét cái động tịnh của bản thân ta như:
- Ngồi: ứng sự chậm trễ,
- Đi: ứng sự mau,
- Chạy: ứng sự mau hơn nữa,
- Nằm: ứng sự chậm hơn.

Muốn thông suốt sự chiêm bốc, cần nhất lấy Dịch quái làm chủ, thứ đến khắc ứng:
- Cả hai nếu tốt thì thật là tốt,
- Cả hai đều xấu lại càng xấu hơn.

Nếu một xấu, một tốt nên xét rõ quái từ với Thể Dụng, khắc ứng các loại mà đoán. Vậy nên phải xét suy cho đầy đủ, chứ không nên vịn vào một chi tiết nhỏ nhặt mà đoán được.

Luận Lý Về Chiêm Bốc

Phép chiêm bốc cần phải luận lý mới được đầy đủ, nếu cứ luận về số mà không luận đến lý, và nếu căn cứ một chi tiết nhỏ thì không thể linh nghiệm được.

- Tỷ như toán về sự ăn uống mà được quẻ Chấn, vì Chấn tượng trưng cho Long (con rồng), nếu lấy lý mà luận thì không thể nói rồng được, ta phải lấy lý ngư (cá gáy) mà thay vào.

- Còn như toán về thiên thời mà được quẻ Chấn tượng trưng cho sấm, nếu đương thời ta ở về mùa Đông, theo lý thì không thể có sấm được, nên ta phải kể là gió bão làm chấn động vậy.

Cho nên theo mấy thí dụ kể trên, cần phải xét lý cho tường, ấy mới phải đạo chiêm bốc thật sâu xa vậy.

Tiên Thiên Và Hậu Thiên Luận

Đoán quẻ về Hậu Thiên, tốt hay xấu chỉ luận về quái (quẻ) mà thôi, không cần dùng đến Hào từ của Dịch; còn Hậu Thiên lại dùng Hào từ gồm luôn cả Quái từ mà đoán, tại sao thế?

Vì Tiên Thiên trước được số chưa được quái (quẻ), như vậy là chưa có Dịch Thư(2) mà đã có dịch lý trước rồi, cho nên không cần dùng đến Dịch thư nữa, mà chỉ chuyên lấy quái (quẻ) mà đoán thôi.

Còn Hậu Thiên trước tiên được quái (quẻ) rồi dùng quái mà vạch ra Từ sau Dịch vậy, cho nên dùng Hào từ gồm luôn cả Quái từ mà đoán.

Và cách bố quái (khí quái hay dàn quái) Tiên thiên không giống Hậu Thiên, như cách bố quái của Hậu Thiên mà số cũng bất đồng nhất (khác nhau), Nay nhiều người tính: Khảm 1, Khôn 2, Chấn 3, Tốn 4, Trung cung 5, Càn 6, Đoài 7, Cấn 8, Ly 9; lấy những số ấy dùng để tính quẻ.

Vì Thánh nhân làm Dịch vạch ra quái (quẻ) đầu tiên lấy Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái thêm vào một bội số thì tự thành ra Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8; vậy chiêm bốc, bố quái hợp với những số ấy mà dùng.

Vả nay nhiều người bố quái Hậu Thiên phần nhiều không gia thời, lập được một quẻ chỉ lấy một Hào động, mà lại không dùng đến đạo biến thông. Vậy lập quẻ Hậu Thiên tất phải gia thời mới được.

Lại như quái Tiên Thiên định thời ứng kỳ, thì lấy Quái khí:
- Như Càn Đoài ứng vào Canh Tân và năm, ngày thuộc Kim, hoặc Càn tức ngày, giờ Tuất Hợi; Đoài tức ngày, giờ Dậu.

- Như Chấn, Tốn phải ứng vào Giáp Ất và năm, ngày thuộc Mộc, hoặc Chấn tức Mẹo, Tốn tức Thìn.

Hậu Thiên: Lấy số quẻ gia thêm số giờ (thời) tổng cộng để phân định ứng kỳ của sự việc, và phân ra bằng đi, ngồi, đứng, làm mau, chậm. Số quẻ gia thời đó, ứng được việc gần, mà chẳng có thể xét định việc xa hơn, nên phải hợp số cả Tiên Thiên và Hậu Thiên lại quyết đoán ứng kỳ vậy.

Vả lại phàm toán quẻ để đoán cát hung, mà thấy rõ sự lý, thì chỉ thấy được toàn quái, Thể dụng sinh khắc, với tham khảo luôn cả Dịch từ, vậy mới linh thông.

Ngày này theo quái Hậu Thiên không dùng tới Lục Thập Hoa Giáp, mà chỉ dùng giờ, phương, tốt xấu, bại, vong để trợ đoán mà thôi, và Lịch tượng tuyển thời (coi chọn ngày giờ) thì Chu Dịch lại càng không thích ứng, nên không dùng đến nữa.

Truyền Lại Lời Đoán Các Quẻ

Phàm toán quẻ phải lấy Thể làm chủ, song le đôi khi không luận đến Thể. Thí dụ:
- Toán bức hoành phi của chùa Tây Lâm Tự, được quẻ Sơn Địa Bác, Thể Dụng, Hổ Biến đều thầy tỵ hòa thời biết là tốt rồi, nhưng lại cho là quẻ không tốt, là sao vậy?

Xét theo lý: chỗ chùa chiền là chỗ riêng biệt của phái dương (nam phái) ở, nay quẻ Hổ Biến ra lại thấy thuần âm (toàn âm hay toàn nữ); như vậy thấy rõ quần âm bác dương (phái âm chia rẽ phái dương, lộn xộn), đó là lý tự nhiên. Vậy nên không cần xét đến Thể Dụng thì ta đã biết rồi.

- Lại toán quẻ có người hỏi: “Kim nhật động tịnh như hà?” (Hôm nay động tịnh ra sau?)
Toán được quẻ Địa Phong Thăng, sơ hào động, Dụng khắc Thể quái, nên không có sự ăn uống thịnh soạn mà cũng sẽ có người đến mời, dầu sự ăn uống sơ sài, mà cũng có mời, vì sao vậy?

Vì người ấy (người hỏi) đang lúc ấy, nó ứng với triệu ngày, vả chăng xét đến hai chữ: “như hà” 如 何, có hai chữ Khẩu (口) là miệng nó trùng với chữ Đoài (兌) cũng có chữ Khẩu (口).

- Lại có quẻ Dụng không sinh quẻ Thể, nhưng Hổ và Biến quái lại sinh Thể nên tốt. Ví như quẻ “Chàng thiếu niên có vẻ mặt vui được quẻ Bí vậy.

- Lại nữa quẻ Dụng không sinh quẻ Thể, mà Hổ và Biến quái lại khắc quẻ Thể ấy là xấu. Ví như quẻ “Con bò rống tiếng bi thảm” toán được quẻ Địa Thủy Sư.

Người thiếu niên kia đã sẳn có vẻ mặt vui vẻ mà quẻ Dịch lại bảo: “Thúc bạch tiển tiển chi triệu” (Cái triệu bó lụa hoa). Như vậy đã thấy hai triệu chứng tốt rồi, quẻ Hổ biến ra lại thấy tướng sinh lại càng tốt thêm lên nữa. Tuy là Dụng không sinh Thể nhưng cũng vô hại.

Còn như toán “Con bò rống kêu thê thảm” kia đã biết trước triệu xấu rồi, mà quẻ Dịch lại bảo rằng: “Dư thi chi hung” (tức là xe chở thây) là xấu.

Hổ Biến quẻ ra lại thấy tương khắc lại càng thêm xấu hơn lên. Tuy hào Dụng không khắc Thể cũng chẳng yểm được sự xấu. Như thế mới biết đoán quẻ Dịch, tức phải dùng đến lý mới xét được linh nghiệm, không nên chấp một vài sự nhỏ nhặt mà đoán.

Ghi chú:
(1) Điền: ruộng, đất đai.
(2) Dịch Thư: Chu Dịch.
Theo MAI HOA DỊCH SỐ-Của Thiệu Khang Tiết.

 


Nội dung mới hơn:
Nội dung khác: