Người ta thường nói: “Táng tiên ấm hậu” tức là chọn đất mai táng tổ tiên để tổ tiên phù hộ cho con cháu được hưởng phúc lộc. Tất cả những hoạt động có liên quan đến việc chọn đất mai táng hoặc đất làm nền nhà được người xưa gọi là thuyết phong thủy hoặc thuật phong thủy.
Những người am hiểu các lý thuyết phong thủy, biết làm những pháp thuật huyền bí như quan sát địa hình, địa thế để tìm “long mạch”, để định vị phương hướng… là các thầy địa lý hoặc thầy phong thuỷ, ở Trung Quốc gọi là kham dư gia (kham nghĩa là trời, là đạo trời, dư là đất, là địa lý, gia là nhà tức là người am hiểu về đạo trời và địa lý).
Những người này lấy hoạt động phong thuỷ làm nghề mưu sinh và phục vụ cho nhu cầu bức thiết của xã hội và cũng được xã hội coi trọng. Ví dụ như: Quách Phác đời Tấn bên Trung Quốc, thầy Tả Ao đời Lê-Trịnh của Việt Nam.
Thuyết phong thuỷ được phát triển gắn liền với tên tuổi của Quách Phác và trước tác nổi tiếng do ông soạn là: “Táng thư”, còn được gọi là “Táng kinh”. Quách Phác đời Tấn là người đầu tiên giải thích khái niệm phong thuỷ và từ đó thuyết phong thuỷ có cơ sở lý luận ổn định và phát triển.
Trong “Táng thư”, Quách Phác viết: “Việc mai táng là để tích tụ sinh khí. Sinh khí gặp gió thì tản đi, gặp nước ngăn thì dừng lại. Vì vậy gọi là thuật phong thuỷ” Khi chú giải “Táng thư”, ông Phạm Nghi Tân (đời Thanh), viết thêm rằng: “Không có nước ngăn lại thì sinh khí sẽ bị gió cuốn làm cho tan đi, có dòng nước ngăn lại thì sinh khí ngưng tụ và gió cũng không còn nữa.
Vì thế hai chữ Phong và Thuỷ (gió và nước) là hai yếu tố quan trọng nhất của thuyết địa lý, mà trong đó “đắc thuỷ” (chỉ chỗ đất có dòng nước chảy quanh) là điều quan trọng hơn hết. Sau đó mới kể đến “ tàng phong” hay “tỵ phong” (tức là thu giữ gió hay kiêng tránh gió) là điều quan trọng thứ hai”
Như vậy, theo lý thuyết kinh điển về phong thuỷ, chỉ có trong điều kiện “tàng phong” và “đắc thuỷ” thì mới tích tụ và giữ gìn được sinh khí. Vậy sinh khí là gì? Sách Lã Thị Xuân Thu giải thích rằng sinh khí là do dương khí thịnh mà phát tiết ra.
Sinh khí là nguyên tố đem lại sức sống cho mọi sinh vật, là cái khí làm cho mọi vật nẩy nở và trưởng thành. Sinh khí luôn luôn tồn tại và vận hành trong lòng đất. Tùy theo hình thế cao thấp của đất mà sinh khí vận động, khi chuyển đi, khi tụ lại, biến hóa mà phát sinh ra vạn vật, kể cả phát sinh ra con người.
Chính vì vậy mà muôn vật đều xuất phát, đều bắt nguồn từ trong lòng “đất mẹ vĩ đại”. Cho nên thuyết phong thủy quan niệm đất là “Đại mẫu”. Thuyết phong thủy lấy âm dương ngũ hành làm nguyên lý cơ sở. Kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ là 5 yếu tố cơ bản cấu thành thế giới, trong đó Thổ là yếu tố quan trọng bậc nhất (là Trung ương), mà Thổ thuộc quẻ “Khôn” tức là thuộc âm tính, là giống cái.
Sinh khí bao hàm trong nó 2 yếu tố âm và dương, cũng như 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ chúng kết hợp, nương tựa, tác động lẫn nhau, đồng thời cũng ức chế lẫn nhau theo quy luật tương sinh, tương khắc. Sinh khí biến hóa, vận động, di chuyển trong lòng đất phát sinh ra muôn vật.
Các nhà phong thủy quan niệm rằng: sinh khí không phải chỉ tồn tại và vận hành trong lòng đất, mà dĩ nhiên cũng tồn tại trong bản thân mỗi con người. Con người cũng như hết thảy mọi vật đều do sinh khí cấu tạo thành.
Nhà phong thuỷ nổi tiếng đời Minh là Tưởng Bình Giai, khi bàn về “sự vận động thần diệu của khí” trong sách Thủy song kinh có viết: “Cái đầu tiên duy nhất chỉ là khí, tiếp ngay sau đó là nước. Không có gì xuất hiện trong nước, trong nước có những hạt cặn đục lắng đọng lại thành ra sông núi”.
Tưởng Bình Giai quan niệm sinh khí không những tạo ra diện mạo của sông, núi, cảnh quan môi trường xung quanh con người, mà còn tạo ra chính bản thân con người, thậm chí sinh khí còn được duy trì bảo lưu ngay sau cả khi con người đã chết.
Tưởng Bình Giai nói: “Sinh khí kết tinh trong cơ thể của cha mẹ dưới hình thức nước, nó được di truyền cho con cháu. Do vậy mà con cháu thụ hưởng được sinh khí của cha mẹ”. Ông còn nói tiếp: “Khi con người sống, khí ngưng tụ, kết tinh ở trong xương, khi chết đi thì chỉ có khí được giữ cùng với xương”, “vì vậy việc mai táng là để cho sinh khí tiếp tục trở lại với hài cốt”.
Quách Phác đời Tấn và Tưởng Bình Giai thời Minh đều khẳng định như vậy. Nhưng mai táng như thế nào để tích tụ được sinh khí, đưa sinh khí trở về với hài cốt. Đây chính là chức năng và bí quyết của các nhà phong thuỷ.
Thuyết phong thuỷ cho rằng, muốn đưa sinh khí trở về với hài cốt,
muốn sinh khí được bảo lưu, được tích tụ và duy trì được lâu dài thì
phải biết chọn đất mai táng (âm trạch), nơi có nhiều sinh khí.
Theo tham khao.
- Quan niệm về thuyết phong thủy và mộ táng của người xưa (P.2)
- Quan niệm về thuyết phong thủy và mộ táng của người xưa (P.3)
- Âm Trạch Và Sự Hưng Suy Của Con Cháu
- Mộ Phần Và Cuộc Sống
- Một Số Kiêng Kỵ Trong âm Trạch.
- Một số công việc khi an táng cho người bình thường
- Kiêng kỵ về huyệt mộ của người Tấn (Trung Quốc)
- Nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ âm trạch (P.1)
- Nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ âm trạch (P.2)
- Nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ âm trạch (P.3)
- Nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ âm trạch (P.4)
- NHẤT MỘ NHỊ TRẠCH
- ÂM TRẠCH